“Ê, Bảy Búa.”

Có tiếng gọi tôi từ ngoài sân. Tôi thò đầu ra cửa sổ, hét đáp lại một tiếng. “Tới sớm vậy mậy?”

Không có tiếng trả lời tôi, nhưng có tiếng trả lời con Mai. “Ủa, sáng nay em đi chợ hả, sẵn mua giùm anh chai xà bông gội đầu nghen, hôm qua hết mà sáng nay quên dặn má mua rồi.”

“Dạ.” Tôi nghe con Mai trả lời ngắn gọn trước khi cọc cạch chạy xe đạp ra khỏi cổng.

Thay đồ xong tôi mới ra, giở giọng cằn nhằn thằng Bảo sao tới sớm thế không biết. Nó nhe răng cười với tôi, tôi biết tỏng thằng này tới nhà chở tôi đi không phải vì muốn tiết kiệm xăng xe cho tôi như nó nói, cái chính là nó muốn gặp con Mai, cái phụ là nó muốn lấy lòng kẻ có khả năng làm anh rể của nó trong tương lai, tức là tôi đây.

Nhưng con Mai không ưng nó. Chẳng cần phải tinh ý cũng thấy, con này vốn hoạt bát nhanh nhẹn, gặp ai cũng tíu tít cười nói, nhưng đối với thái độ săn đón của thằng Bảo, nó dè chừng thấy rõ. Nó là em gái tôi, thằng Bảo là bạn tôi, ruột rà vẫn hơn ao nước lã, nếu con Mai ưng thằng Bảo thì tôi sẽ dè chừng nó, con Mai không ưng thì tôi sẽ thản nhiên đục nước béo cò, hưởng chút lợi nếu thằng Bảo đột ngột thay đổi chiến thuật sang lấy lòng ba mẹ vợ và anh rể. Nghĩ tới đây thì tôi cảm thấy có chút tội lỗi, thấy cũng tội mà thôi cũng kệ, khà khà.

Tôi vòng ra sau nhà, lấy ra bốn cái cần câu. Cần bằng cây “hóp lụi” hẳn hoi, vuốt sạch bằng rựa, láng coóng. Lưỡi câu tây tôi nhờ mấy anh đưa hàng bông trên chợ đầu mối tỉnh mua giúp, có đứa nói là lưỡi câu Nhật, phần lưỡi cong vênh lênh trên, thép ngà sáng loáng, cái này mà móc vào bụng cá hay miệng cá thì đố có thoát nổi. Tôi cũng có một cái cần có ròng rọc kéo dây, chỉnh ngắn dài này nọ, tôi chẳng biết gọi là gì, lần trước có người tặng ba tôi. Nhưng tôi xài không quen tay, cũng chẳng ưng cái mã cồng kềnh của nó lắm nên không dùng. Câu cá chứ có phải đi săn cọp đâu.

Toi đưa hết bốn cần vào tay thằng Bảo, hỏi nó. “Đem đủ hết chưa?”

“Thằng Lục đem hết ra ngoài rồi.” Nó trả lời tôi.

“Tao chở cho, đi xe mày mà còn để mày chở nữa, tao ngại.”

“Mày ngại cầm mấy cái cần này thì có.” Thằng Bảo đoán bụng tôi trúng phóc, nhưng vẫn nhường cho tôi lái. Chỗ câu cá cách nhà tôi hơi xa, là một khúc sông hẹp. Nói là sông thì cũng không được đúng lắm, vì con sông quê tôi nó vừa dài vừa dữ, nước cũng đục ngầu phù sa cuồn cuộn chảy. Nhưng khúc sông tôi đi câu thì đột nhiên rẽ khỏi dòng sông mẹ, chầm chậm chảy như phiêu du đó đây, sau đó mới nhập lại với dòng nước ào ạt kia ở khoảng xa, tôi không biết xa chừng nào.

Mới sáng mà trời đã đổ nắng xuống như sợ chưa đủ nóng cho ngày. Tôi đội trên đầu cái nón kết mà mồ hôi nhễ nhại thấm cả ra vành nón, vừa đi vừa tán dóc với thằng Bảo. Nó nói vợ thằng Lục có thai, tính tình nắng mưa thất thường làm nó ăn ngủ cũng không yên. Bữa nay được câu cá cho thư thả tinh thần, chắc nó khoái lắm. Tôi cũng cười, nói có vợ coi bộ cũng khổ dữ đa. Thằng Bảo huýt sáo một tiếng, nói khổ thì khổ mà sướng cũng nhiều. Chỉ có hai thằng chưa vợ mới dám nói với nhau câu đó mà thôi.

Tôi lái chiếc Dream của thằng Bảo đi ngang qua bạt ngàn đồng ruộng, một khoảng rừng tràm mát rượi, đây cũng là con đường đi tới nhà bà Bày, rồi lại một khoảng ruộng nữa mới tới sông. Hai bên sông cây cối um tùm. Chỗ thằng Lục đang ngồi phe phẩy nón chờ chúng tôi ở bên dưới một tán dừa, lá dừa thưa không đủ che nắng trên đầu, tràn xuống từng vệt từng vệt màu váng lóa cả mắt trên vai, lưng và chân thằng Lục. Tôi gọi nó. “Mày bị ma ám hay sao mà không kiếm chỗ mát ngồi mậy?”

Nó ngẩn ra nhìn tôi, rồi lẩm bẩm. “Ừ ha.”

Tôi với thằng Bảo nhìn nhau, sợ run, thằng này bị ám thiệt rồi hả? Nhưng thằng Lục bỗng nhiên ngửa cổ ra nhìn tụi tôi, cười phá lên. “Tao đang nhòm coi chỗ nào thả câu được nhất, chui vô lùm tránh nắng thì thấy được cái gì, tụi bây thiệt…” Nó không thèm nói hết câu mà lăn ra cười. Tôi và thằng Bảo hè nhau chọc lét nó, nó oai oái xin tha mới buông ra.

“Đứa nào đi đào trùn nước đi.” Tôi lên tiếng. Hai thằng còn lại nhìn tôi, rồi lại nhìn nhau, rồi lại lần nữa nhìn tôi. Thôi rồi, tôi quên mất tôi là đứa duy nhất bắt được thứ trùn nước này, còn hai thằng kia thì chỉ biết đào trùn đất với dế cơm lên làm mồi thôi. Tôi nghe có tiếng dế gáy nơi cái lon thằng Lục đặt kế bên xe nó, chắc nó cũng đào hơn chục con là ít.

Chỗ chúng tôi cũng gần con đường đất nhỏ hẹp, băng qua phía bên kia thì toàn ruộng là ruộng. Tôi để hai thằng Lục, Bảo lại, một mình cầm lon băng qua bên kia tìm trùn nước. Bỏ dép ra, tôi giẫm chân không lên cỏ trên bờ, cỏ dụi vào chân tôi mượt mà, mát rượi, đâu đó có cái gai mắc cỡ cào vào chân tôi, tôi né xa ra, rồi lội xuống ruộng. Phần ruộng gần sát bờ chỉ toàn bùn với bùn, tôi đã xắn quần cao ngang gối, cúi người, quan sát kĩ những nơi có vết lỗ chỗ của trùn nước rồi lấy hai tay xắn xuống thật sâu, ngay lập tức lật ngược lớp bùn láng ánh lên.

Trùn nước mình vuông, thân dài ngoằng, lại mềm không thua gì sợi bún nên dễ đứt vô cùng. Tôi đỡ đám bùn trên tay, lúc nhúc những con trùn nước như sợi bánh canh tôi ăn lúc sáng. Thôi, không nên liên tưởng như thế nữa.

Tôi nhìn chăm chú, phân biệt rõ ràng đâu là trùn, đâu là bùn. Này trùn, này bùn, trùn, bùn, bùn, trùn. Tôi khéo léo tách những con trùn ra khỏi bùn, nhanh tay cho vào lon. Công nhận trời thương, sinh tôi có cặp mặt thiệt là tốt, vùi đầu vào máy tính mà mãi vẫn không thấy cận, vẫn tinh anh bắt trùn như thường.

Chốc sau tôi một tay cầm lon trùn, một tay xách đôi dép, bùm lấm đến nửa bắp chân, đi về phía câu cá. Thằng Lục cầm cái lon lên, bật khen tôi một tiếng. Tôi quăng đôi dép sang bên, thọc chân xuống sông rửa cho sạch bùn. Nước sông ấm hơn bùn nhiều, tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu vì sao lại như thế.

Thằng Lục có hai cái cần, tôi có bốn cái, cho thằng Bảo mượn hai cái, thế nên mỗi thằng có hai cái cần câu, cắm ở đâu thì tùy, đứa nào câu được nhiều cá nhất thì lần đi nhậu tiếp theo nó trả tiền. Đây là luật giang hồ chung của quê tôi, nói đúng hơn là giữa mấy thằng thanh niên chúng tôi, cũng chẳng biết ai đặt ra, hay vì điều đó đã quá hiển nhiên nên không cần phải bàn cãi nữa nhỉ?

Thế là tụi tôi chia nhau ra cắm câu. Trái ngược với những khi tụ tập đi nhậu, đi câu không có chuyện ngồi tán dóc đợi cá. Đi câu là yên lặng thưởng thức thú vui nhìn cái phao dập dềnh trôi trên sóng nước, tim đập thình thịch khi thấy nó bắt đầu chuyển động không theo nhịp chảy của sông, sau đó lôi, giật, kéo, còn kèm theo cả kĩ thuật gỡ cá sao cho không bị nó chém nữa. Nói chung, câu cá là cả một nghệ thuật, mà ba thằng tôi bây giờ là ba nghệ sĩ.

Tim tôi đập thịch một cái khi cái phao ở cần bên phải thụt xuống nước rất nhanh, rồi lại nổi lên, rồi lại chuyển động ngược chiều nước chảy.

Cắn câu rồi!

Tôi đứng phắt lên, tay giữ chặt cần câu, giật giật vài cái, đo thử sức nặng của con cá xấu số. Cũng phải cả kí đây. Tôi giật mạnh, con cá nảy trên mặt sông thành một vòng cung loáng nước rồi lại lao đầu xuống dòng chảy. Sợi cước trên cần căng ra hết cỡ, tôi ghìm tay lại, lùi vào bờ. Rồi bất thình lình, tôi giật mạnh lần nữa. Lần này lại là một dải nước hình vòng cung, nhưng con cá lại không chui xuống sông, mà giãy lạch bạch sát bên bờ.

Tôi cười đắc thắng, hét vọng qua hai thằng bạn. “Ê, câu được con cá trắm cỏ nè tụi bây?”

“Bự không?” Tiếng thằng Lục hét trả gần đó.

“Mấy kí?” Thằng Bảo cũng hỏi.

“Tao có phải cái cân đâu mà biết.” Tôi bắt bẻ tụi nó một câu, nhưng cũng trả lời. “Gần cả kí chứ không giỡn đâu.”

“Bữa nay hên dữ vậy mậy, mới thả cần xong.” Thằng Lục khen tôi, tay kéo kéo, hình như cá cũng cắn câu nó rồi. Tôi không nói nữa, để yên cho thằng Bảo câu.

Con cá lóc nằm trên cỏ, im thin thít, duy chỉ hai cái mang phập phồng lên xuống từng đợt. Cái lưỡi câu móc ngay vào miệng nó, phía má phải, lưỡi câu nhọn hoắt thò cả ra ngoài. Tôi ngồi xổm xuống, thận trọng gỡ lưỡi câu ra, cũng cẩn thận không để nó chém trúng. Cuối cùng tôi cũng gỡ lưỡi câu ra được, tay định bắt con cá cho vào xô.

“Ủa anh Bảy?” Có tiếng gọi ngay sau lưng tôi. Bốn bề đang vắng lặng, tự nhiên có tiếng nói nên khó trách tôi giật nảy mình. Tôi giật thì y như con cá lóc cũng giật, nó chém tay tôi đang nắm gần miệng nó, rồi quẫy một cái, tung mình oanh liệt trốn thoát xuống sông. Tôi nhìn nó ngơ ngác mà tiếc đứt cả ruột.

Vốn định quay sang trừng người vừa gọi tôi một cái cho hả tức nhưng đến khi nhìn thấy là ai thì tôi không đành lòng trừng. Anh Thy đội một cái nón lá trên đầu, bộ đồ bà ba màu xanh ngọc sáng lên dưới nắng, cô đang đứng ở vệ đường, hai tay xe đạp giữ một bên.

“Ủa?” Tôi cũng nói y chang cô, nhưng khác câu sau. “Em đi chợ hả?” Câu này cũng chỉ hỏi thừa mà thôi, trong giỏ xe cô có rau có thịt, không đi chợ thì đi đâu!

“Dạ.” Cô cười, nhìn nhìn phía sau lưng tôi. “Anh đi câu cá hả?”

Tôi chưa kịp trả lời cô thì thằng Bảo đã từ đâu xuất hiện, mặt mày gian gian hỏi tôi. “Ai vậy Bảy?”

“Cháu bà Bảy.”

“Ủa, về rồi đó hả?” Nó ngạc nhiên nhìn Thy.

“Ai về?” Thằng Lục đã đứng gần đó lúc nào không hay, cũng lên tiếng. Thằng Bảo chỉ cô, nói : “Đó.”

“Nhưng đó là thánh phương nào mà về đây?” Thằng Lục lại nhíu mày. Tôi đến khổ với hai thằng này. Giới thiệu đôi bên với nhau xong thì Thy lên tiếng.

“Tay anh chảy máu rồi kìa anh Bảy.” Rồi cô vội vàng đá chống xe, không biết lấy từ đâu trong giỏ ra bông gòn với ôxi già, đi tới chỗ tôi. Tới lúc này tôi mới thấy xót ở tay, nhìn xuống thì máu đang túa ra từ một vệt ngắn nhưng khá sâu. Con cá trắm cỏ này thiệt là dữ, trốn thoát mà lại còn chém được tôi nữa chứ.

Cô cẩn thận lau máu trên tay tôi, miệng thổi phù phù vào vết đứt. Thấy hai thằng kia cười cười nhìn, cô ngượng nghịu giải thích. “Hồi nhỏ em bị té bà em hay thổi như vậy cho đỡ đau, giờ quen rồi.” Nhắc tới bà Bảy lại làm tôi bồi hồi.

Rồi cũng không biết cô lấy từ đâu ra một miếng băng keo cá nhân, dán vào tay tôi. Ngón tay cô thuôn nhỏ, ngón tay ngòi bút, dù không mềm mại nhưng tương phản rõ ràng với bàn tay thô của tôi, nhiệt độ cũng khác, ấm hơn tay tôi nhiều, chắc là do tôi vừa đụng nước. Nói thì nhiều nhưng chuyện xảy ra chỉ trong chốc lát, cô băng xong thì tôi ngó qua hai thằng bạn, thấy chúng nó đang săm soi xô cá của tôi.

“Ê, con cá trắm cỏ cả kí của mày đâu?” Tiếng này là tiếng thằng Lục.

“Chém tao phát rồi nhảy xuống sông rồi.” Tôi nói, nhưng mắt lại liếc sang phía cần câu bên trái đang giần giật.

“Bảo!” Tôi hét giật thằng Bảo, hên là thằng này cũng đang chú ý cái cần câu giống tôi, nó lập tức chộp lấy cái cần ngay khi cái cần chuẩn bị rớt xuống sông. Cá lớn!

Thằng Bảo lôi lôi kéo kéo một hồi vẫn chưa kéo được nó lên bờ, tôi đứng nhìn mà sốt hết cả ruột. Thằng Lục không chần chờ nữa, bước lên nắm lấy cái cần câu. Hai thằng hè nhau một tiếng, giật thật mạnh. Tôi hít sâu một hơi, khấn với trời đất là cần câu không bị gãy. Trờ chẳng phụ lòng tôi, sau đó là tiếng giãy đạch đạch liên hồi. Chúng tôi xúm lại nhìn con cá, là cá chép, vảy nó loáng lên dưới nắng. Kể cũng lạ, con này bự cũng hơn ba kí, tính ra là già đời trong họ hàng nhà cá rồi, sao lại mắc phải mồi câu của tôi, hơn nữa lại còn là lúc đông người tụ tập nói chuyện thế này? Đáng, già mà khinh địch nó thế.

“Con cá bự quá!” Anh Thy lên tiếng trước tiên, hai thằng Lục, Bảo cũng trầm trồ.

“Bữa nay tốt số nha Bảy Búa, câu trúng toàn cá bự.”

“Uổng cái con kia sổng mất.”

“Ừa, uổng thiệt.”

“Không là bữa nay có thêm mồi nhậu rồi, con này bự quá nhậu uổng lắm.”

Hai thằng Lục, Bảo, thằng xướng thằng họa, thằng tung thằng hứng, ăn ý nhịp nhàng không thua gì đôi vợ chồng mới cưới làm tôi dở khóc dở cười.

“Mày câu được gì rồi Lục?” Tôi thuận miệng hỏi nó, lúc này đang giành phần gỡ cá ra khỏi lưỡi câu. Gì chứ thằng Lục thì chưa bị cá chém trúng bao giờ, tài năng gỡ cá của nó cũng y như tài bắt trùn nước của tôi vậy, nó giành gỡ cũng đúng, nhưng chắc nó thấy tay tôi chảy máu nên thế.

“Hai con cá lóc, chỉ đủ ba đứa mình nhắm rượu.”

“Tao có đem chai chuối hột nè.” Thằng Bảo đột ngột lên tiếng. “Hồi sáng đi ngang mua giùm ba tao mà qua nhà mày luôn, quên về nhà.” Nó nói với tôi.

“Vậy mấy anh đưa hai con cá lóc đây em, em về mần, nướng với rơm rồi đem ra cho mấy anh nhậu. Nhà em cũng gần đây nè.” Thy lên tiếng, giọng vui vẻ.

“Thôi, cực cho em lắm.” Tôi nói.

“Có gì đâu, tại em mà anh sổng mất con cá kia mà.”

Thế là thằng Lục hớn hở giao cái xô cho Anh Thy, cô xách xô cá, đội nón lá rồi leo lên xe, đạp đi, không quên quay đầu lại nói. “Mấy anh cứ thong thả câu, chắc không lâu lắm đâu.”

Cô vừa đi khuất, thằng Lục đã gian manh nhìn tôi, nhưng nó không nói gì mà chạy về phía nó cắm câu, đem hai cái cần lại cắm kế bên hai cần của tôi, thằng Bảo cũng bắt chước nó. Sáu cái cần câu cắm chung một chỗ. Rồi ba thằng ngồi túm tụm lại tán dóc chờ mồi nhậu, không chờ cá cắn câu nữa dù thi thoảng vẫn hi vọng, liếc ngang sang cái phao đang dập dềnh trôi kia.

“Ê, khai đi, có gì giấu anh em hả mậy?” Thằng Lục mào đầu.

“Ờ, anh anh em em ngọt sớt luôn, dữ chưa!” Thằng Bảo hùa theo.

“Thành thật khai báo thì cách mạng mới khoan hồng cho chiến sĩ.” Bọn nó cứ tranh nhau nói thế này thì tôi chen vào đâu? Bó tay thật. Mà nói tôi mới để ý, hôm trước còn xưng cô với tui, nay sao xưng anh em tự nhiên thế này, chắc tại cô xưng thế nên tôi bắt chước, cũng chỉ là ngôn ngữ giao tiếp bình thường thôi mà, đâu có gì đâu.

“Có cái gì đâu mà khai.” Tôi đập một phát lên lưng thằng Bảo đang chồm tới trước mặt, vẻ tò mò đánh chết con bò. “Người ta biết nhà tao giúp đỡ bà Bảy nhiều, mang ơn nên đối xử tốt chứ sao, đầu óc tụi bây chỉ có nhiêu đó thôi hả?”

Hai thằng ậm ờ một lúc, gật gù nhưng rõ ràng là chưa tin. Một trận gió thổi ngang, xạc xào đám lá xung quanh, mang theo mùi mạ non sực nức và mùi phù sa sông mằn mặn, gió mát rượi.

“Ê nhưng mà tao vẫn thấy có gian tình à nha!” Thằng Lục vỗ đùi đánh đét. Thằng Bảo ngồi kế bên trợn mắt nhìn nó trong khi tôi phì cười.

“Mày kiếm đây ra từ ‘gian tình’ hay dữ vậy Lục?” Tôi hỏi nó.

“Tao coi trên tivi, phim Đài chiếu đầy.” Nó giải thích, gãi gãi đầu.

“Mày coi phim tình cảm hả?”

“Ờ, vợ tao cũng tám tháng rồi, má bả đâu có cho vận động gì, tối ngày bật tivi xem phim tình cảm. Tao cũng cắn răng không giành với vợ, xem riết cũng thành ghiền.” Nó cười ngượng, tay vẫn liên tục gãi đầu trong khi tôi với thằng Bảo lăn ra cười nắc nẻ. Cái thằng, khô như ngói từ nhỏ tới giờ mà cũng biết xài từ ‘gian tình’ kia đấy, còn khoái phim tình cảm nữa. Đàn ông lấy vợ rồi đúng thật là chẳng biết sẽ thay đổi theo chiều hướng nào.

Thằng Lục lại nhanh mồm hỏi về trận đá banh hôm trước nó không được xem vì phải nhường vợ. Đụng tới chủ đề này thì chẳng đứa nào mảy may đá động đến ‘gian tình’ của tôi nữa. Hậu vệ kém, tiền vệ chạy tốt, thủ môn bắt bóng quá dính, bàn này chơi không đẹp, trái kia trúng xà ngang quá uổng, đá phạt góc thiếu kĩ thuật kinh khủng, bô lô ba la mãi không hết.

Nói một lúc tôi thấy mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Tôi là đứa hay đổ mồ hôi, cũng không ưa nóng, khi nực nội tôi thấy khó chịu vô cùng. Mà ngay trước mặt tôi lại có con sông nước mát thế kia. Vậy là tắm sông.

Thằng Lục với thằng Bảo không thèm tắm, chúng nó lôi đâu ra bộ bài, ngồi đánh với nhau, còn trề môi bảo tôi lắm chuyện, tắm sông làm gì, sắp có đồ nhậu rồi. Tôi mặc chúng nó, cởi phăng áo ra, hồi sáng mặc cái quần lửng kaki đi câu, ngẫm nghĩ thấy có khi Thy tới tôi không kịp lên trước thì chết dở, nên mặc luôn cái quần lội xuống sông.

Nước sông mát lạnh, rào rạt quanh người vô cùng sảng khoái. Sông đục phù sa chứ không trong veo như mấy con lạch dẫn nước vào ruộng. Có bầy cá ròng ròng gần đó, tôi lội lại, huơ tay vào nước thử xem có bắt được con nào không. Những con cá con bé xíu tỏa ra tán loạn, sượt ngang lòng bàn tay tôi trơn nhẫy, tôi nắm tay lại thật nhanh nhưng không dính con nào. Dính thật mới là chuyện lạ, tay không bắt cá thì Khương Tử Nha còn chào thua huống hồ gì tôi. Ông Khương Tử Nha này hồi nhỏ ba tôi vẫn thường hay kể, bảo ổng câu cá giỏi lắm, nổi tiếng nhất đất Tàu. Ông kể nhiều đến nỗi tôi ngờ rằng đây chính là cái tích xưa Trung Quốc duy nhất mà ông từng biết, mà đúng là thế thật.

Tôi búng chân thật mạnh, bơi từ bờ này sang bờ kia, rồi quay trở lại, thi thoảng lại hụp xuống bơi dưới một đám lục bình, rễ lục bình quệt ngang đầu nhồn nhột. Tôi khoái chí thả trôi mình theo dòng nước, tận hưởng ánh mặt trời chang chói nhưng không làm nóng được tôi. Tôi khẽ hươ chân tay, đủ giữ cho mình không chìm, cứ trôi nổi trên mặt nước, nương theo dòng mà trôi đi.

Đến khi tôi nên lên bờ thì nhận ra mình đã trôi một khoảng khá xa rồi, từ chỗ này mà hét lên thì tụi Lục, Bảo cũng khó lòng mà nghe thấy. Khúc này nước chảy mạnh hơn chỗ chúng tôi câu, không phẳng lặng êm đềm nữa. Tôi bơi ngược dòng cầm chừng, ở nguyên một chỗ, thấy bơi ngược dòng về thì không nổi, nên tôi xoay ngang bơi vào bờ. Tôi hướng đến chỗ một khoảng trống xâm xấp bờ, không có cây cối để tiện bề leo lên.

Chợt, tôi thấy chân trái mình nhói một cái. Rồi không cử động được nữa.

Vẫn đang đà bơi, tôi cố cử động nó. Đau thấu tận trên đầu. Chuột rút rồi! Bờ chỉ còn cách tôi trong gang tấc, bơi dăm sải nữa là tới. Tôi cố gắng bình tĩnh, hai tay vẫn điên cuồng quạt nước, chân còn lại cử động gấp đôi. Người tôi bấp bênh mất thăng bằng, dòng nước bỗng trở nên mạnh mẽ dữ dội, xoay tôi lật nghiêng lật ngược. Bờ vẫn không gần hơn chút nào. Tôi thấy mình đang chìm dần và xuội theo dòng nước cuốn.

“Cứu…” Tôi hét lên, tay chân không còn gọi là bơi nữa, mà là cố sức vật lộn để nổi. “Cứu…” Tiếng hét khản đặc trong họng, âm thanh vào tai tôi chỉ là những tiếng khàn thảm thương, còn nhỏ hơn cả tiếng nước. Một con nước ập tới, dập lên tôi, miệng vẫn đang há ra, tôi nuốt nước vào mồm. Mùi phèn chua chui vào họng và cát lạo xạo trong miệng, tôi lập tức phun ra, nhưng đã nuốt mất hơn nửa rồi. Cổ họng bỏng rát, tôi ho sặc sụa, nước cứ thế mà tràn vào miệng nhiều hơn.

Từng thớ cơ như bị hơ trên lửa dù rõ ràng đang chìm trong nước, cơn đau nơi chân trái vẫn đang hành hạ tôi từng giây, buốt vào óc và làm tôi tê tái. Tôi đang mất dần tỉnh táo.

Bình tĩnh, tôi phải bình tĩnh. Bản năng sống trong tôi gào lên, mày phải bình tĩnh, Bảy Búa!

Tôi nhổ nước ra, và tay chân quẫy mạnh hơn nữa. “Cứu…” Tiếng hét lúc này đã đúng nghĩa là tiếng thét. “Cứu…Cứu…” Tôi thét lên điên cuồng, cũng điên cuồng tin rằng mình sẽ được cứu. Bờ cách tôi chỉ hơn bốn thước, tay chân tôi vẫn vật lộn để lội vào.

“Cứu…” Tôi vẫn cứ thét, cổ họng như muốn bật máu, có mùi phèn, có cát và hơi thở tôi gấp gáp, yếu dần, yếu dần đi. “Cứu…”

Hình như tôi đã gọi rất nhiều, gọi rất lâu, đến nỗi khi tôi nhận ra mình không còn sức để nổi nữa, thì tôi vẫn còn thét. Tôi không từ bỏ, nhất định sẽ có người cứu. Tay chân tôi không còn nóng nữa, thay vào đó là cái lạnh của dòng sông. Dòng sông tôi vốn nghĩ là hiền hòa như lòng mẹ giờ dữ dội và rùng rợn như lòng một con quái vật. Tôi hụt nước hết mấy lần, đầu ngập xuống một khoảng sâu, nhưng vẫn cố sức bình sinh mà ngoi lên, mà thét cứu.

“Anh Bảy!” Tiếng kêu lanh lảnh lọt vào tai, tôi vùng lên từ dưới làn nước đang kéo tôi xuống, cố nhìn qua mờ mịt nước. Chẳng thấy gì cả, đầu tôi mất tỉnh táo rồi sao? Tôi quạt tay, hai cánh tay giờ mỏi nhừ, như chẳng còn là của tôi nữa, tôi biết, chỉ chốc nữa thôi tôi sẽ chẳng còn điều khiển chúng.

“Anh Bảy, ráng lên anh, em kiếm được cây rồi nè.” Tôi xoay đầu sang trái, thấy một bóng áo xanh xẹt ngang tầm mắt, phải Thy không? Hay đến mắt tôi cũng hoa? Tôi kinh hoàng nhận ra ý thức mình cũng đang xuội theo sức lực, phải chăng tôi đang chấp nhận rằng mình sẽ chìm xuống?

Không!

Tôi lại vùng lên, chẳng biết từ đâu tôi lại có thêm sức lực. Và tôi thấy một cành cây chìa ra trước mắt, run rẩy không ngừng.

“Nắm lấy đi anh!” Tôi nghe thấy tiếng lanh lảnh ban nãy, hình như đúng là Anh Thy, giọng cô đang thét, còn lớn hơn cả tiếng thét cứu của tôi.

Tôi vươn tay, chộp lấy nhánh cây. Hụt. Lại vươn thêm lần nữa, cành con gãy giòn trong lòng bàn tay như đùa cợt mạng sống tôi. Tôi vùng lên, cả hai tay nắm lấy phần nhánh lớn, sống chết bám vào đó, giờ phút ấy có sét đánh xuống tôi cũng không buông ra.

Tôi mơ màng nhận thấy mình được kéo vào bờ, chậm nhưng liên tục. Cái bờ gần xịu mà xa như tít tắp ban nãy đón tôi vào lòng. Một cánh tay đỡ lấy tay tôi, nắm thật chặt. Tôi chỉ còn đủ sức ôm lấy cành cây mà thôi. Tôi thấy mình được kéo lên bờ, bên tai tôi mơ hồ tiếng thở phào nhẹ nhõm khi tôi đã nằm trên đất. Khoảnh khắc tôi nhận thấy sau lưng mình là đất, cứng và vững, tôi dần lịm đi.

Có lẽ ai đó đã ấn vào bụng tôi, có lẽ tôi đã nôn ra một bụng nước, thứ gì đó rất mềm và ấm được đặt lên lần môi lạnh ngắt của tôi, tôi cảm thấy hơi thở, và tôi lại bắt đầu thở hơi thở của chính mình.

Có lẽ, tôi đã thoát chết.